Tranh cãi về việc có cho phép nuôi chó mèo, chim… trong chung cư hay không tại một số chung cư cao cấp ở TPHCM vẫn chưa có hồi kết. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn còn xuất phát từ các quy định hiện hành, còn có những điểm mờ.
Cụ thể, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, tại Điều 35 đề cập về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, cấm “Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư” (Khoản 3).
Giải thích về từ ngữ “gia súc, gia cầm”, Luật Chăn nuôi tại Điều 2 cho rằng: Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (Khoản 5).
Gia súc là các loài động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi (Khoản 6).
Gia cầm là các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi (Khoản 7).
Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Tuy nhiên, trong Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi, tại Phụ lục II được ban hành kèm theo, thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác.
Điều này được Bộ Xây dựng trong văn bản số 176/BXD-QLN ban hành ngày 18.1.2021 khẳng định lại một lần nữa: Chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm, do đó việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.
Tuy nhiên cũng tại văn bản này, Bộ Xây dựng cho rằng tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua để bảo đảm việc sử dụng nhà chung cư an toàn, văn minh.
Thế nhưng tại điểm này lại có những tình huống phát sinh. Đó là, đối với những chung cư đã tổ chức xong Hội nghị nhà chung cư và bầu xong Ban quản trị chung cư, trong đó cư dân bỏ phiếu đồng tình cho việc được nuôi chó, mèo, chim trong chung cư hay không, thì vấn đề đã trở nên rõ ràng và chỉ việc thực hiện theo kết quả bỏ phiếu được định chế hóa bằng quy định, nội quy tại chung cư.
Song trên thực tế tại TPHCM, không ít chung cư đã đưa vào vận hành chính thức vài năm, nhưng vẫn chưa thể tiến hành Hội nghị nhà chung cư, kéo theo chưa có quy chế chính thức của chung cư cũng như bộ máy Ban quản trị. Trong trường hợp này, các hành vi được cho phép hay cấm tại chung cư (trong đó có việc nuôi chó, mèo, chim…) sẽ phải thực hiện theo quy định hay nội quy nào, do ai ban hành… vẫn đang là khoảng mờ.
Thậm chí, một số chung cư đang trong tình trạng chưa thể tổ chức Hội nghị nhà chung cư, chưa thành lập Ban quản trị, nhưng trong hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư với khách hàng (cư dân) có quy định cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư. Tuy nhiên, nhiều cư dân vẫn phớt lờ không chấp hành theo điều khoản này trong hợp đồng.
Việc nuôi thú cưng được quy định ra sao?
Nhiều chung cư khác cũng không phải là nơi lý tưởng cho chó mèo khi có các quy định hạn chế thú cưng. Trường hợp phát hiện cư dân nuôi không đúng quy định, ban quản lý chung cư sẽ nhắc nhở, lập biên bản hoặc thậm chí khóa thẻ thang máy của căn hộ.
Nhiều chung cư có quy định cấm nuôi thú cưng rất nghiêm ngặt.
Với trường hợp ngược lại, thì vẫn có nhiều nơi khác lại là địa chỉ thân thiện với người nuôi chó mèo nhưng kèm theo đó là những quy định chặt chẽ.
Quy định rọ mõm cho chó khi ra ngoài là quy định bắt buộc
Điểm chung của các chung cư là yêu cầu cư dân phải đăng ký vật nuôi với ban quản lý; không thả rông chó, mèo; thú cưng phải đặt trong giỏ/lồng hoặc có dây xích và rọ mõm khi di chuyển cùng với chủ vật nuôi; không để mùi, âm thanh, lông và chất thải của thú cưng làm ảnh hưởng các cư dân khác; đảm bảo có sổ sức khỏe của thú cưng với thông tin vaccine tiêm chủng định kỳ đầy đủ.
Theo: Lao động.vn